Bạn sắp mở một quán café và hiện đang không biết phải tính giá bán đồ uống như thế nào?
Không sao. Đó cũng là một việc khó với rất nhiều người, kể cả những cửa hàng đang kinh doanh thuận lợi. Việc định giá bán đồ uống luôn là một việc không dễ dàng. Có thể bạn đang lỗ mà không biết, hoặc bạn có cơ hội đạt được lợi nhuận cao hơn nhưng đã bỏ qua.
Danh mục
Những cơ sở để định giá bán đồ uống
Để định giá bán được chính xác, có rất nhiều yếu tố bạn cần phải xem xét. Ví dụ:
- Giá bán không được lỗ
- Giá bán không được quá cao hay quá thấp so với giá thị trường & đối thủ.
- Giá bán phải được khách hàng chấp nhận.
1. Giá bán không được lỗ
Đầu tiên, cần chắc chắn bạn không lỗ. Bạn cần phải dựa vào tất cả những yếu tố sau để xem xét các chi phí cho sản phẩm:
- Giá cost đồ uống: giá vốn để tạo ra một cốc đồ uống.
- Chi phí cố định: tiền thuê cửa hàng, khấu hao tài sản cố định, tiền Internet, điện nước, tiền lương nhân viên… Gọi là chi phí cố định vì đây là khoản (gần như) không đổi mà bạn phải bỏ ra hàng tháng.
- Chi phí biến đổi: những khoản chi có thể biến động liên quan đến doanh số bán hàng, ví dụ: quảng cáo, khuyến mãi, đồ dùng của quán…
Công thức tính giá cost đồ uống (giá vốn đồ uống)
- Giá vốn đồ uống = Giá vốn các nguyên liệu cộng lại
- Giá vốn các nguyên liệu: áp dụng các công thức toán nhân, chia đơn giản bạn có thể tính ra.
- Ví dụ: tính gần đúng giá vốn cho một cốc sinh tố bơ:
- 100g bơ: 5.000đ (50.000/kg bơ)
- 40ml sữa đặc: 2.600đ (65.000đ/L)
- 40ml sữa tươi: 1.200đ (30.000đ/1L)
- 30ml nước lọc: có thể không tính
- 150g đá: 144đ (6.000đ/5kg)
- 5ml cốt dừa: 400đ (32.000đ/400ml)
Vậy giá cost 1 cốc sinh tố bơ ~ 9.344đ.
2. Giá bán không được quá cao hay quá thấp so với đối thủ
Theo cách tính của rất nhiều chủ quán, họ thường tính giá bán đồ uống như sau:
Giá bán = Giá cost đồ + Chi phí nhân công + Chi phí khác + Lợi nhuận mong muốn (khoảng 25-30%).
Cách tính trên đây có nhiều rủi ro:
- Thứ nhất: rất khó để xác định chính xác chi phí thực tế, đặc biệt là với các cửa hàng mới, quy mô nhỏ.
- Thứ hai: rất dễ dẫn đến việc định giá quá cao hoặc quá thấp.
- Định giá quá cao dẫn đến việc khách hàng không muốn sử dụng dịch vụ.
- Định giá quá thấp dẫn đến doanh thu thấp, khó tăng giá về sau này.
- Thứ ba, cách tính trên hoàn toàn không nhắc tới đối thủ hoặc các giá trị gia tăng đi kèm.
Vậy bài học rút ra là gì?
Bạn cần định giá sao cho giá trị mang lại cho khách hàng vẫn được đảm bảo, và họ cảm thấy xứng đáng với số tiền bỏ ra, ít nhất là so với đối thủ cạnh tranh.
Với ngành dịch vụ ăn uống, định giá dựa trên đối thủ cạnh tranh là một trong những cách định giá tốt nhất. Hãy nghiên cứu thật kỹ những cửa hàng xung quanh bạn, đưa ra chi tiết những điểm họ có, và cố gắng làm tốt hơn, hoặc khác biệt.
Chỉ cần có một điểm khác biệt, bạn có quyền định giá sản phẩm cao hơn, thay vì chỉ nhìn vào giá cost đồ uống.
3. Giá bán phải được khách hàng chấp nhận
Giá bán được khách hàng chấp nhận không đồng nghĩa với giá rẻ. Đó là phần giá trị gia tăng của quán bạn: quán bạn có mang lại lợi ích hay giá trị đặc biệt nào cho khách hàng so với các quán khác không? Ví dụ:
- Đồ uống tại quán của bạn ngon một cách đặc biệt.
- Phong cách phục vụ của quán bạn vô cùng tận tình, chu đáo, với những nhân viên được đào tạo bài bản & chuyên nghiệp.
- Quán bạn có vị trí đắc địa cho một mục đích nào đó.
- Quán bạn đã từng được một nhân vật nổi tiếng ghé thăm và để lại dấu ấn.
- Quán bạn có kiến trúc, trang trí đặc biệt thu hút để khách tới quay phim chụp ảnh.
- Hoặc một điều đơn giản: quán bạn có điều hoà còn quán bên cạnh không có.
- Vân vân…
Với những lý do trên, nếu quán bên cạnh bán 40.000đ/cốc sinh tố bơ, bạn vẫn có thể bán 50.000đ hoặc 55.000đ/cốc, thậm chí cao hơn mà khách hàng vẫn vui vẻ tới. Bởi họ cảm thấy đồng tiền bỏ ra được đáp ứng một cách xứng đáng.
Tất nhiên giá bán không thể cao một cách ngất ngưởng được, vẫn cần đảm bảo ở một mức mà khách hàng có thể chi trả bạn nhé!
Vậy, đây là những điều bạn sẽ phải làm khi tiến hành định giá đồ uống:
- Tìm hiểu kỹ về phạm vi giá và thị trường nơi bạn mở để hiểu hơn về kỳ vọng của khách hàng.
- Tính toán kỹ giá cost đồ uống & các chi phí để duy trì quán.
- Nghiên cứu kỹ điểm mạnh, điểm yếu của toàn bộ đối thủ cạnh tranh và đưa ra định hướng thích hợp
- Định giá & quảng cáo, truyền thông để thuyết phục khách hàng tại sao sản phẩm của bạn lại có giá như vậy.
- Đảm bảo giá trị sản phẩm, dịch vụ mang lại cho khách hàng tương xứng như những gì bạn đã truyền thông
- Thu thập ý kiến khách hàng, điều chỉnh lại một chút nếu cần thiết
- Biết cách làm nổi bật quán bạn hơn hàng chục cửa hàng khác.
Kết luận
Mở một quán cà phê không chỉ là nơi bán sản phẩm vật lý, nó còn là nơi bán trải nghiệm người dùng và dịch vụ. Bạn có quyền định giá bán của bạn cao lên, miễn là bạn có một lý do chính đáng và khách hàng thấy được nó.
Qua bài viết này của Bardeli Academy, hi vọng bạn đã hiểu hơn về định giá sản phẩm cho quán cà phê. Theo dõi chúng tôi để tiếp tục đọc thêm những bài viết ý nghĩa nữa nhé!