Trong kinh doanh dịch vụ ăn uống nói chung và quán cafe nói riêng, mặt bằng luôn là nhân tố đặc biệt quan trọng. Nó sẽ quyết định việc quán của bạn có hoạt động hiệu quả không, có đông khách không. Cùng tham khảo những bí quyết dưới đây của Bardeli Academy nhé!
Bộ bí quyết bao gồm 4 nguyên tắc cơ bản, 7 tiêu chí và 10 bí kíp nho nhỏ cho việc đàm phán.
Danh mục
4 nguyên tắc cơ bản khi lựa chọn mặt bằng kinh doanh
Nguyên tắc 1: gần với khách hàng mục tiêu
“Nhất cự li, nhì cường độ”. Bạn càng gần khách hàng mục tiêu, cửa hàng của bạn sẽ càng kiếm về doanh thu cao hơn. Đây là nguyên tắc cơ bản nhất của bất kỳ cửa hàng dịch vụ nào, chứ không chỉ riêng quán cafe.
- Nếu khách hàng mục tiêu của bạn là học sinh, sinh viên, hãy chọn địa điểm gần trường học.
- Nếu khách hàng mục tiêu của bạn là nhân viên công sở, hãy chọn địa điểm càng gần các tòa nhà văn phòng, gần ngã tư hoặc nơi đông người càng tốt.
- Nếu khách hàng mục tiêu của bạn là khách du lịch, hãy mở quán ở những vị trí đắc địa nhất, gần trung tâm nhất hoặc sầm uất nhất, view đẹp nhất.

Nguyên tắc 2: Không nên nóng vội
Lựa chọn mặt bằng kinh doanh không phải việc ngày một, ngày hai. Bởi lẽ một khi đã quyết định rồi thì sẽ rất khó thay đổi. Bạn nên dành tối đa thời gian mình có (việc này đôi khi mất cả tháng hoặc vài tháng) để tìm được nhiều mặt bằng ưng ý. Sau đó so sánh ưu – nhược điểm của từng mặt bằng để tìm được nơi ưng ý nhất.
Nguyên tắc 3: Mặt bằng không nên chọn
…là mặt bằng ở đường một chiều hoặc có dải phân cách cứng chắn ngang.
Đây là nguyên tắc hoàn toàn dễ hiểu, vì đường một chiều các xe sẽ đi nhanh hơn và khả năng dừng chân tại quán của bạn không cao. Còn nếu quán bạn có dải phân cách ở giữa 2 làn đường thì đương nhiên, khách bên kia đường không thể nhìn thấy quán của bạn. Hoặc nhìn thấy nhưng phải đi thêm một đoạn nữa rồi quay đầu, khá phiền toái đúng không nào?

Nguyên tắc 4: hạn chế thuê mặt bằng chung chủ
Việc chung chủ có thể dẫn đến nhiều phiền toái mà bạn không lường trước được. Nếu gặp chủ nhà dễ tính, tốt bụng thì không sao. Còn nếu chủ khó tính, khó chiều thì việc kinh doanh của bạn sẽ gặp không ít khó khăn:
- Không cho mở nhạc trong quán(nhạc nền nhẹ nhàng cũng không được)
- Cho thuê mặt bằng để làm quán cafe nhưng lại thường xuyên kêu phiền(chật chội, ồn ào,…)
- Hát karaoke ầm ĩ cả ngày, làm ảnh hưởng đến không gian yên tĩnh của quán
- Vân vân…
7 tiêu chí lựa chọn mặt bằng kinh doanh
Phù hợp với định mức đầu tư và ngân sách thuê mặt bằng:
Đây là yếu tố đầu tiên cần cân nhắc trước khi lựa chọn mặt bằng kinh doanh. Thường thì chi phí này không nên vượt quá 20% tổng số vốn đầu tư ban đầu.

Diện tích đáp ứng yêu cầu của mô hình kinh doanh:
- Mô hình cafe take away(chỉ bán mang về): khoảng 10 – 30m2
- Mô hình cafe nhạc sống: trên 100m2
- Mô hình cafe sân vườn: trên 200m2
- Mô hình quán trà sữa: khoảng 80 – 120m2, có thể làm 1 hoặc nhiều tầng
- Mô hình quán trà chanh: 40 – 60m2 diện tích trong nhà(bao gồm quầy pha chế + một vài chỗ ngồi). Với mô hình này, khách ngồi trên vỉa hè là chủ yếu nên bạn hãy chọn mặt bằng nào có vỉa hè rộng rãi nhé!
Mặt tiền rộng để có view thoáng
Mặt tiền càng rộng, view quán càng thoáng thì quán sẽ càng hút khách hơn và ngược lại.
Có chỗ để xe rộng rãi
Đôi khi, sự hài lòng của khách hàng đối với quán cũng phụ thuộc vào diện tích của chỗ để xe. Chỗ để xe càng rộng sẽ càng thuận tiện cho khách mỗi khi đến quán.

Hiện trạng mặt bằng mới, ít phải cải tạo
Mặt bằng càng mới, chủ quán sẽ càng tiết kiệm được thời gian và chi phí cải tạo. Không ai muốn thuê mặt bằng xong mà phải sơn lại toàn bộ hay khoan, đục, sửa chữa một vài thứ gì đó.
An ninh ổn định, hàng xóm thân thiện
Mặt bằng có đủ giấy tờ và chứng từ pháp lý:
Bạn nên tham khảo đơn vị công chứng để biết chính xác mặt bằng ấy cần những giấy tờ pháp lý gì, sau đó liên hệ chủ mặt bằng.
10 kinh nghiệm nhỏ đàm phán thuê mặt bằng kinh doanh
-
Đàm phán giá thuê phù hợp so với mặt bằng chung:
Bạn cần tìm hiểu mức giá ấy có phù hợp với mặt bằng chung không. Hãy dành thời gian nhiều thời gian để tìm hiểu giá mặt bằng chung của khu vực đó để so sánh với giá cả của chủ mặt bằng đưa ra.
-
Đàm phán thời gian thuê phù hợp:
Thường là 3 – 5 năm. Bởi lẽ khi kinh doanh bạn cần thời gian để thu hồi vốn và bắt đầu có lãi…

-
Thống nhất chi phí tiền điện – nước sinh hoạt:
Bạn nên thống nhất với chủ quán rằng, chi phí này sẽ được tính bằng giá điện – nước do Nhà nước ban hành vào từng thời điểm. Quán dùng hết bao nhiêu trả bấy nhiêu. Ngoài ra, nếu mặt bằng của bạn chung chủ thì bạn nên lắp công tơ riêng để thanh toán chính xác nhất.
-
Đàm phán kỳ hạn thanh toán:
Thường sẽ thanh toán 3 tháng 1 lần và đặt cọc 1 tháng. Cũng có những nơi sẽ yêu cầu bạn thanh toán 6 tháng tiền nhà một lúc và cọc 1 tháng, tuy nhiên những nơi như vậy không nhiều. Thanh toán kỳ hạn càng dài, chi phí sẽ càng được ưu đãi hơn. Đó là lí do mà những thương hiệu chuỗi thường thanh toán theo năm để tiết kiệm chi phí, ổn định mặt bằng cho sự phát triển lâu dài.

-
Đàm phán thời gian điều chỉnh giá thuê:
Thường sẽ là 2 năm điều chỉnh 1 lần.
-
Thống nhất về việc cải tạo, sửa chữa:
Bạn nên trao đổi ý tưởng thiết kế quán với chủ mặt bằng để lên phương án cụ thể. Chỗ nào được cải tạo, chỗ nào không cũng cần trao đổi cụ thể.

-
Đàm phán chi phí đền bù phá hợp đồng
Đây là đề mục vô cùng quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi kinh doanh của cả 2 bên. Bạn nên đưa vào trong hợp đồng những ràng buộc kỹ càng, kiểu như:
- Nếu chủ quán(bên B) chậm trả tiền thuê mặt bằng trong thời gian 01 tháng thì chủ mặt bằng(bên A) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng. Bên B phải giao trả lại cho bên A toàn bộ mặt bằng và các trang thiết bị của nhà theo tình trạng ban đầu.
- Nếu bên A lấy lại mặt bằng trước thời hạn thì bên A phải bồi thường lại cho bên B toàn bộ chi phí bên B đã đầu tư mặt bằng của thời gian còn lại trong hợp đồng.
-
Đề nghị công chứng hợp đồng:
Đây là bước cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng thuê mặt bằng. Tất nhiên, hợp đồng đồng viết tay và có chữ ký cũng có thể chấp nhận được, trên cơ sở 2 bên đều tin tưởng nhau. Nhưng nếu chẳng may xảy ra tranh chấp trong hợp đồng, bạn sẽ không được pháp luật bảo vệ. Do đó, bạn nên mang hợp đồng ra văn phòng công chứng của địa phương để hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết.
-
Điều khoản hỗ trợ khi có sự kiện bất khả kháng:
Thiên tai, bão lũ, dịch bệnh… có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bạn. Lúc này bạn nên đàm phán với chủ nhà trong việc giảm bớt tiền thuê, hỗ trợ chi phí sửa chữa.
-
Thời gian hỗ trợ để sửa chữa là bao nhiêu ngày?
Thông thường, sau khi nhận mặt bằng, bạn cần khoảng 20 – 30 ngày để thiết kế và sửa chữa quán. Bạn nên đàm phán với chủ quán về việc giảm bớt chi phí(hoặc miễn phí thuê mặt bằng) trong khoảng thời gian này. Bởi lẽ:
- Với chủ quán: quãng thời gian này không sinh ra doanh thu
- Với chủ mặt bằng: khoảng thời gian đó có thể coi là khoảng thời gian sửa chữa, thay mới một số hạng mục trong nhà, sau khi hoàn thiện làm tăng giá trị cho mặt bằng đó của họ. Do vậy họ nên hỗ trợ mình để cân bằng lợi ích của cả 2 bên.
Với tất cả những kiến thức trên, bạn có thể hoàn toàn yên tâm và mở quán cafe rồi đó! Chúc bạn may mắn!